Làng Vọng Nguyệt

Vọng nguyệt (xã Tam Giang, huyện Yên Phong) xưa có tên là làng Ngột Nhì. Người họ Chu đến đây khai cơ lập nghiệp đầu tiên. Sau khi ông tổ họ Chu mất, mộ ông được đặt ở đồng Đống Tranh, nhìn xuống một cái ao bán nguyệt. Do vậy, làng được đặt tên tự là Vọng Nguyệt. Vọng Nguyệt nghĩa là trong trăng, đẹp và thơ mộng đến kỳ ảo.

To tam Vong Nguyet

Đây là một làng cổ mang đầy đủ bản tính của quê hương Bắc Ninh trong truyền thống: anh hùng và trữ tình.

Tính anh hùng được biểu hiện rõ trong câu chuyện dân gian và mối tình sử giữa chàng trai làng Vọng Nguyệt Chu Đình Dự và công chúa Lý Nguyệt Sinh. Họ gặp nhau trong ngày hội xuân và trai tài, gái sắc đã nên nghĩa trăm năm.

Gặp khi giặc Tống xâm lấn nước ta, họ đã lập đội dân binh, góp phần vào chiến thắng hào hùng trên sông Như Nguyệt mùa xuân 1077. Nay, Vọng Nguyệt vẫn còn đền thờ Nguyệt Sinh công chúa, đền đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Mối duyên tình kỳ ngộ giữa người con gái Vọng Nguyệt Chu Thị Bột và chàng thư sinh Tam Sơn Ngô Sử Toàn đã để lại cho người đời một đôi câu đối mà sự kết hợp giữa chữ tình và chữ tài thật quả tùng lai ít thấy:

Gái Vọng Nguyệt trông trăng Vọng Nguyệt, nguyệt nguyệt bằng thục nữ thuyền quyên.

Trai Tam Sơn ngắm núi Tam Sơn, sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt.

Chính đôi trai tài, gái sắc ấy đã nuôi dưỡng và khởi nguồn cho truyền thống khoa bảng Vọng nguyệt, thành đạt nhất ở huyện Yên Phong.

Sau khi mẹ chết, con trai thứ hai Ngô Như Định đăng lính và vào trấn thủ Nghệ An, còn con trai cả Ngô Như Ngọc được ông ngoại đón về nuôi ăn học. Khoa thi Đinh mùi 1487, dưới triều Lê Thánh Tông, Ngô Như Ngọc đã đỗ chính bảng, đệ nhị giáp tiến sĩ, là tiến sĩ khai khoa của làng Vọng Nguyệt và của cả vùng Tam Giang bây giờ. Vua Lê Thánh Tông cảm ân nghĩa của bà Chu Thị Bột, vào ngày quan tiến sĩ Tân khoa Ngô Như Ngọc vinh quy, đã tặng bà bốn chữ vàng “Tiết phụ tinh môn”. Ngô Như Ngọc làm quan đến tổng đốc Kinh Bắc, rồi về triều làm Đô cấp sự trung, đặc tiến Kim tử vinh lộc địa phu. Ông sinh được ba con trai: Ngô Nhân Lan, Ngô Nhân Hải, Ngô Nhân Tùng.

Con thứ hai của Ngô Như Ngọc là Ngô Nhân Hải đỗ tiến sĩ khoa mậu thìn 1508, và là vị tiến sĩ thứ hai của dòng họ Ngô, cũng như của làng Vọng Nguyệt. Ông làm quan đến giám sát ngự sử, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu.

Cháu Ngô Như Ngọc là Ngô Nhân Trừng đỗ Đình nguyên nhị giáp Tiến sĩ khoa Canh thìn 1580 dưới triều Mạc Diêu Thành, vào năm ông hơn bốn mươi tuổi. Ông làm quan đến chức Đốc đồng, thành viên hội đồng tham chính, và được phong Thái úy Sùng quốc công. Khi nhà Mạc thua trận, ông bị bắt, Trịnh Tùng dụ hàng, nhưng vì lòng trung thành với nhà Mạc, ông đã uống thuốc độc tự tử. Ông là tiến sĩ thế hệ thứ ba của dòng họ Ngô Vọng Nguyệt.

Chắt Ngô Như Ngọc là Ngô Nhân Triệt đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Đinh mùi 1607, thời Lê Kính Tôn. Năm 1620, ông làm phó sứ cùng chánh sứ Nguyễn Thế Tiêu đi sứ Trung Quốc. Khi về, được phong Tả thị lang bộ lễ, đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Thái thường tự khanh, Thái tử thái bảo, lễ thái bá. Ông là thế hệ tiến sĩ thứ tư của làng Vọng Nguyệt. Ông sinh được 9 con trai, thì 7 con trai đỗ cử nhân, một con trai đỗ tiến sĩ.

Đó là Ngô Nhân Duệ, còn gọi là Ngô Nhân Tuấn hay Ngô Tuấn, đỗ tiến sĩ khoa Canh thìn 1640, ở tuổi 45. Ông làm quan đến chức Bồi tụng Tả thị lang bộ lễ phong lộc tử, rồi phong Công bộ Thượng thư. Năm 1664, ông được chúa Trịnh cử cùng với Trịnh Hoành tổ chức thi lại sinh đồ toàn quốc ở bãi sông Nhị Hà đánh trượt quá nửa bọn con cháu nhà quan và phú hộ bất tài, được sĩ tử trong nước ca ngợi. Ông về trí sĩ năm 70 tuổi, được phong tước hầu, cấp lộc điền. Ông là tiến sĩ thế hệ thứ năm của dòng họ Ngô Vọng Nguyệt.

Con cháu của bà Chu Thị Bột 5 đời liền đỗ tiến sĩ, khiến cho nhà sử học Phan Huy Chú phải ca ngợi trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”: Làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô kể từ Ngô Ngọc đỗ chính bảng đời Hồng Đức rồi năm đời đỗ tiến sĩ liên tiếp thực là xưa nay hiếm có”.

Người đời sau gọi cụ Chu Thị Bột là cụ thí thóc, họ Ngô là họ Ngô Thí Thóc, hoặc họ Ngô khoa bảng Vọng Nguyệt. Nhà thờ họ Ngô ở Vọng Nguyệt đã được UBND tỉnh xếp hạng để gìn giữ một truyền thống nhân ái và hiếu học cho muôn đời sau. Ngày nay, con cháu cụ Thí Thóc đông tới hàng ngàn người, với hơn một trăm người có trình độ văn hóa từ tú tài trở lên, trong đó có hai phó tiến sĩ. Đặc biệt hậu duệ đời thứ 17 của cụ Ngô Như Ngọc là Ngô Quý Đức, trong kỳ thi Olimpic vật lý quốc tế ở Ôtxtrâylia giành huy chương bạc.

Kỳ lạ thay, ở Nghệ An, con cháu cụ Ngô Nhân Định, con thứ của cụ Thí Thóc, đến đời thứ 5 có Ngô Trí Tri và Ngô Trí Hòa là hai cha con cùng đỗ tiến sĩ khoa Nhâm thìn 1592. Ngô Trí Tri làm quan đến Tả Hiến sát sứ Sơn Tây, phong xuân quận công, phục lộc hầu. Đời thứ 7 có Ngô Sĩ Vinh đỗ tiến sĩ khoa Bính tuất 1646, làm quan đến chức Đốc đồng thập tam đạo dưới thời chúa Trịnh Tráng.

Họ Ngô là người khai thị cho nền văn hiến Vọng Nguyệt. Vào cuối thế kỷ 15. Sang thế kỷ 16, và vào thời nhà Nguyễn sau này, các dòng họ khác cũng có người đỗ đại khoa, góp cho nền văn hiến Vọng Nguyệt phong phú.

Khoa nhâm thìn 1532, dưới thời Mạc Đăng Doanh, hậu duệ của Đô úy Chu Đình Dự đỗ tiến sĩ là Chu Địch Huấn. Ông làm quan dưới triều Mạc đến hộ bộ thượng thư, tước Thiêm xuyên hầu.

Sang thế kỷ 18, Nguyễn Duy Thức đỗ tiến sĩ khi thi Hội ông đỗ đầu khoa Quý mùi 1763 dưới thời lê Hiển Tôn, năm ông 30 tuổi. Ông là người văn võ kiêm toàn. Ông từng làm Đốc đồng Hải Dương, đốc đồng Cao Bằng, Tổng đốc Thái Nguyên rồi thượng thư bộ lại. Con trai của ông là Nguyễn Nhân Trai được hưởng tước Ấm quan.

Sau thế kỷ 19, Ngô Quang Diệu thuộc họ Ngô Quang đỗ phó bảng khoa Kỷ dậu 1849 dươi thời vua Tự Đức. Ông làm quan đến hàn lâm viện. Từ Ngô Như Ngọc đỗ tiến sĩ khai khoa, đến ông là người đỗ đại khoa, Vọng Nguyệt cũng là làng có nhiều tiến sĩ nhất ở huyện Yên Phong.

Cũng như bao làng quê khác, người Vọng Nguyệt miệt mài lao động trên đồng ruộng của mình, ở đây có một nghề độc đáo bên cạnh nghề làm ruộng đã tồn tại hàng ngàn năm. Đó là nghề dâu tằm tơ.

Không ai nhớ ông tổ hay bà tổ nghề dâu tằm tơ ở Vọng Nguyệt là ai, xuất hiện vào thời nào. Trồng dâu và chăn tằm là một nghề của nhà nông, gọi là nông tang. Người Vọng Nguyệt cũng biết trồng dâu, cũng biết chăn tằm như các làng ven sông khác. Nhưng cái hơn hẳn ở đây, là trời phú cho người Vọng Nguyệt biết kéo kén ươm tơ.
Dù ai buôn Sở bán Tần
Không bằng Vọng Nguyệt chuyên cần ươm tơ

Câu ca dao ngọt ngào, có ý so sánh, tự hào và tràn đầy tự tin, mỗi khi về Vọng Nguyệt nghề các bà mẹ ru con, như được nghe lời nhắn nhủ của ông cha với hậu thế. Có lẽ chính vì thế, mà nghề ươm tơ đã cắm rễ nghìn đời ở Vọng Nguyệt. Ngay như bây giờ, khi các nương dâu ven sông trăm phần không còn lấy một phần, hoặc có làng như Chân Lạc, lập hẳn một ngôi đền thờ bà Chúa dâu tằm, cây dâu và con tằm chỉ còn trong kỷ niệm của lớp người già, thì ở Vọng Nguyệt nghề ươm tơ vẫn hưng thịnh. Mỗi năm, người Vọng Nguyệt sản ra 60 -70 tấn tơ, chiếm xấp xỉ một phần mười sản lượng tơ của cả nước. Và cho giá trị hàng năm trên 10 tỷ đồng. Ở Vọng Nguyệt có đủ các chủng loại tơ, từ tơ máy cao cấp, đến tơ máy mi ni, tơ thủ công cải tiến, tơ vải kéo tay, tơ gốc, tơ xe… đáp ứng cho mọi nhu cầu của khách bốn phương. Mỗi một năm 10 tháng, khởi từ tháng 2 âm lịch, kết thúc là áp tết Nguyên Đán, người Vọng Nguyệt, lớn cũng như bé, già cũng như trẻ, đầu làng cuối xóm nhộn nhịp kéo kén ươm tơ, cứ như làng vào hội. Lãi cũng vui mà lỗ cũng cười. Lãi thì có vốn cho vụ sau làm tơ hơn. Lỗ thì toan tính tìm cách bù lại. Ngày xưa Vọng Nguyệt có phường kén. Ngày nay Vọng Nguyệt có hội dâu tằm. Ở đâu có kén báo cho nhau cùng đi mua, có khách ăn hàng bảo nhau cùng bán, đó là nét đẹp trong thương mại của làng Vọng Nguyệt. Trong cơ chế thị trường hôm nay, không phải ở đâu cũng có nét đẹp thương mại ấy. Có lẽ, nó chỉ ở làng văn vật Vọng Nguyệt.

Bình Luận