Nguyễn Văn Đáp
Bảo tàng Bắc Ninh
Vọng Nguyệt xưa kia là một trong 11 xã của tổng Nội Trà, nằm ở phía Nam bờ sông Cầu. Nay Vọng Nguyệt là một làng thuộc xã Tam Giang (Yên Phong – Bắc Ninh).
Nằm trong một làng cổ được bồi đắp bởi hai con sông: Sông Cầu từ cánh cung Ngân Sơn Việt Bắc chảy về, sông Cà Lồ xưa là một nhánh của sông Hồng dẫn nước từ ngã ba Bạch Hạc – Việt Trì chảy sang. Do vậy tạo nên vùng đất đẹp đã sản sinh ra năm vị Tiến sĩ của năm đời trong hơn 100 năm, đóng góp vào sự hưng thịnh của quốc gia, hùng mạnh của dân tộc.
Mở đầu là Ngô Ngọc, ông là Tiến sĩ khai khoa của làng Vọng Nguyệt và cũng là của cả vùng Tam Giang bấy giờ. 23 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18 (1487) đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Lễ khoa Đô Cấp sự trung được vinh phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu.
Tiến sĩ Ngô Hải (Ngô Nhân Hải). Ông là con thứ của Tiến sĩ Ngô Ngọc. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh 4 (1508) đời Lê Uy Mục. Ông là người giỏi chữ, lý lẽ chiết tự và có tài hùng biện, nên đã cứu thoát cho cả gia đình khỏi tội chu di tam tộc. Vào năm 1511, em ruột của ông là Ngô Nhân Tổng cùng với Thân Duy Nhạc dấy quân ở vùng Quế Võ, Yên Phong, khởi nghĩa chống lại triều đình nhà Lê. Cuộc khởi nghĩa bị bại lộ, Nhạc và Tổng bị bắt xử tử. Có người tố giác Tổng là con trai Ngô Ngọc và là em Giám sát ngự sử Ngô Nhân Hải, có liên quan đến cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Kinh Bắc. Giữa triều đình Ngô Nhân Hải đã bình tĩnh dùng lý lẽ của mình để bác bỏ lời cáo buộc đó, ông nói:
Xét về bản quán, Tổng là hàng xóm của thần, nhưng hai người hàng xóm không nhất thiết là cốt nhục. Tổng họ Ngô, chữ Ngô được kết chữ khẩu ở trên, chữ thiên ở dưới. Thần cũng họ Ngô, chữ Ngô của thần được kết chữ Ngũ ở trên, chữ khẩu ở dưới. Như vậy rõ ràng là đồng âm mà khác nghĩa. Qua đó ông và dòng họ được thoát nạn, làm quan đến cuối đời và được vinh thăng: Đặc tiến Kim tử, Vinh lộc đại phu tước Bá.
Tiến sĩ Ngô Trừng: ông là thế hệ thứ ba của họ Ngô là cháu đích tôn của Ngô Ngọc, 41 tuổi đỗ Hội nguyên. Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa thi Canh Thìn niên hiệu Diên Thành 3 (1580) đời Mạc Mậu Hợp.
Ngô Trừng làm quan cho triều Mạc 13 năm. Từ năm 1580 đến 1593. Ông được nhà Mạc tin cậy như là một nội tướng – ngang hàng về các thân vương là thành viên của hội đồng Tham chính. Chức quan cao nhất dưới triều Mạc của ông là: Đốc đồng kiêm tư Nam Bắc, Nhị đạo trung quân, Đề lĩnh tứ thành, kiêm thập tam đạo, trí mưu tiền trí sát hậu tấu, Thái úy Sùng quốc công.
Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt, tự là Mai Hiên, hiệu là Thịnh Đức, con trưởng của Ngô Nhân Trừng. Ông là người rất thông minh, học giỏi nhưng các khoa thi Ất Mùi năm 1595, khoa Mậu Tuất (1598), khoa Nhâm Dần (1602), khoa thi Giáp Thìn (1604) đều không được dự thi Đình vì bố là Ngô Nhân Trừng làm quan dưới triều Mạc, nhà Lê cho là “phản bội”. Đây là một vấn đề chính trị rất phức tạp thời bấy giờ, bởi có hàng ngàn các con em quan lại triều Mạc trước đây đều chịu chung số phận như vậy.
Năm 1606, nhà cầm quyền Lê – Trịnh buộc phải thay đổi cách nhìn nhận, không ghép các quan lại nhà Mạc vào tội phản bội nhà Lê, nếu họ tiến thân bằng con đường cử nghiệp.
Do có chủ trương cởi mở của triều đình nhà Lê – Trịnh với con cháu quan lại nhà Mạc trước đây, nên khoa thi năm Đinh Mùi (1607) Ngô Nhân Triệt mới được dự thi và khoa thi này ông đỗ Hội nguyên Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân niên hiệu Hoàng Định đời 8, đời Lê Kính Tông.
Ngô Nhân Triệt làm quan dưới triều Lê – Trịnh hơn 30 năm, từ 1607 đến 1638. Năm 1608 ông được bổ giữ chức Giám sát ngự sử đạo Lạng Sơn, sau đó về cung vua Lê, rồi năm 1620 làm Phó sứ cùng Chánh sứ Nguyễn Thế Tiên đi sứ Trung Quốc. Do đi sứ lập được công về mặt ngoại giao, ông được phong chức Thái thường tự khanh, hàm Đặc tiến Kim tử quang lộc đại phu, Thái tử, Thái bảo, Lễ Thái bá. Khoảng năm 1630 Ngô Nhân Triệt chuyển sang làm ở phủ chúa Trịnh. Năm 1633 Ngô Nhân Triệt, Nguyễn Quang Minh, cùng Thái bảo Trịnh Hằng được chúa Trịnh giao tổng kiểm tra và chiếu bổ các hạng quân các phủ vệ. Khi về hưu Ngô Nhân Triệt được Hữu Thị lang bộ lễ, tước Bá.
Tiến sĩ Ngô Nhân Tuấn, tên thường gọi là Ngô Nhân Duệ, tự là Nhân Chính, hiệu Cương Đức, 45 tuổi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Thìn niên hiệu Dương Hòa 6 (1640) đời Lê Thần Tông. Ông làm quan chức Đô chỉ huy sứ, rồi thăng Bồi tụng Lễ bộ tả Thị lang phong lộc tử, về sau được thăng Công bộ Thượng thư. Vào giữa thế kỷ XVII Ngô Nhân Tuấn nhận một nhiệm vụ rất quan trọng là chấn chỉnh việc học tập của cả nước. Sách Đại việt sử ký toàn thư chép:
“Mùa Hạ tháng 4, sai phó tướng thiếu phó Tông quận công Trịnh Hoành và Bồi tụng Lễ bộ tả Thị lang phong lộc tử Ngô Nhân Tuấn phúc khảo sinh đồ các sứ ở bãi cát sông Nhị”.
Trước đây, phép thi lỏng lẻo, còn cho mang sách. Từ năm Canh Tý đến nay, tuy đã cấm chỉ, nhưng văn chưa được chặt chẽ, người thi đỗ phần nhiều dốt nát, nhờ người làm bài, dư luận xôn xao. Đến đây, sai quan phúc khảo sinh đồ của ba khoa Đinh Dậu (1657), Canh Tý (1660), Quý Mão (1663). Đề thi dùng một bài thơ Đường và một bài ám tả chính văn kiêm đại trú trong kinh truyện. Người nào đỗ vẫn được là sinh đồ, người nào hỏng phải ở lại 3 năm học tập cho miễn tạp dịch, nếu thi lại năm nữa vẫn không đỗ mới cho trở lại làm dân, chịu tạp dịch. Bấy giờ người thi hỏng đến quá nửa.
Qua sự kiện này, chứng tỏ Ngô Nhân Tuấn là một người rất có tín nhiệm trong triều, được ủy nhiệm việc thay đổi học phong cho cả nước, được sĩ tử trong cả nước ca ngợi. Lúc này là thời kỳ có ông Phạm Công Trứ làm Tể tướng đương triều.
Vào mùa thu tháng 7 năm Ất Tỵ (1665) Ngô Nhân Tuấn tuổi 70, xin về trí sĩ, vua chuẩn y. Gia thăng Công bộ thượng thư, tước Bá lại cấp cho lộc điền và người hầu để dưỡng già.
Có thể nói họ Ngô Vọng Nguyệt là một dòng họ tiêu biểu cho truyền thống học tập và khoa bảng trong các gia đình ở Việt Nam. Nổi bật trên nền văn hiến ấy, họ Ngô – một dòng họ mà từ thế kỷ XIX nhà sử học Phan Huy chú đã từng ca ngợi “làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô kể từ Ngô Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức, rồi 5 đời đỗ Tiến sĩ liên tiếp, thực là xưa nay hiếm có”.
Thông báo Hán Nôm học 2003, tr. 167-170