Từ trước đến nay, trong tất cả các bản phả cũ của họ Ngô đều xác định Ngô Nguyên, Thủy tổ họ Ngô thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, là con trai Thanh Quốc công Ngô Khế. Phả hệ họ Ngô Việt Nam xuất bản năm 2003 được tái bản bổ sung năm 2011 cũng đều xác định như vậy.
Tuy nhiên, Phả họ Vọng Nguyệt có chép niên biểu của nhiều vị tiên tổ như: Ngô Như Ngọc (đời 2) sinh năm Nhâm Thân, mất năm Kỷ Mão (1451-1519), Ngô Nhân Trừng (đời 5) sinh năm 1539, mất năm 1593, Ngô Nhân Tuần (đời 7, con thứ 2) sinh 1595. Như vậy từ đời thứ 2 đến đời thứ 7 là 6 thế hệ, tính ra tốc độ sinh dọc (tức là khoảng cách tính bằng năm giữa 2 thế hệ kế tiếp) là 29 ( cao hơn trung bình là 28).
Cách tính như sau: (1595 – 1451) : 5 = 29. Từ đó suy ra năm sinh tương đối của thủy tổ Ngô Nguyên là 1422. Điều này nảy sinh mâu thuẫn với năm sinh của Ngô Khế, cha của Ngô Nguyên (1426). Từ đó cho phép suy ra các khả năng sau:
1) Ngô Nguyên không phải con Ngô Khế.
2) Năm sinh Ngô Khế không đúng.
3) Năm sinh của Ngô Nguyên tính theo tốc độ sinh dọc chung 29 là không hợp lý.
Nếu giải quyết vấn đề theo hướng thứ nhất thì sẽ nảy sinh rất nhiều rắc rối, vì nếu không phải con Ngô Khế thì là con ai?
Điều này xưa nay không có bản phả cũ nào đề cập đến.
Nếu giải quyết theo hướng thứ hai, thì cũng không dễ dàng gì. Duy có điều có thể nghĩ tới để mở hướng giải quyết, đó là Ngô Khế là con vợ thứ của Dụ Vương Ngô Từ (1370-1453) là Đinh Thị Ngọc Luân nên có thể đã đặt làm em bà Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao sinh năm 1421; nhưng kỳ thực Ngô Khé có thể lớn tuổi hơn bà Ngọc Dao. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh năm sinh của Ngô Khế thì cũng không thể điều chỉnh được nhiều vì với năm sinh 1426 thì tuổi thọ của Ngô Khế đã là 88.
Phải chăng hệ thống niên biểu liên quan đến Ngô Từ, Ngô Khế là không chuẩn xác.
Qua đó, nếu giải uyết vấn đề theo hướng thứ hai cũng không kém phần phức tạp.
Trước mắt vẫn phải tôn trọng những ghi chép của các bản Phả cũ là kết quả nghiên cứu của các bậc tiền bối họ Ngô qua nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ. Tuy nhiên chúng tôi cũng xin nêu vấn đề này ra để con cháu trong họ mai sau tiếp tục nghiên cứu.
Nếu theo hướng thứ ba thì vấn đề cũng không thể giải quyết được. Chẳng hạn nếu cho rằng khi 20 tuổi Ngô Nguyên sinh ra Ngô Như Ngọc, tức là Ngô Nguyên sinh năm 1431 thì cũng không thể là con Ngô Khế sinh năm 1426 được.
Tóm lại, vân đề nêu ra ở trên cần được tổ chức nghiên cứu kỹ hơn, cần thiết thì nên tổ chức Hội thảo trong dòng họ.