Phả hệ họ Ngô Việt Nam xác định Ngô Nhật Đại, một vị hào trưởng châu Phúc Lộc, từng tham gia cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan năm 722, là Khởi tổ của họ Ngô sinh sống trên đất nước Việt Nam ta. Điều này căn cứ vào bản Phả của Hán Quốc công Ngô Lan biên soạn từ năm Đinh Dậu (1477) thời Hồng Đức dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Họ Ngô có mặt ở đất nước Việt Nam ta có thể từ rất sớm. Theo tấm bia ở sân đình Ba Làng (phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội) dựng năm 1631, thì thời Hùng Vương thứ 18 có người họ Ngô là Ngô Long làm Đốc lãnh Hoan Châu đánh giặc Ai Lao có công, khi mất được phong thượng đẳng phúc thần, được dân làng tạc tượng thờ ở đình. Nhưng người này lại có cha là Ngô Tín từ Quảng Tây đến châu Ái làm nghề bốc thuốc, lấy vợ người họ Vũ rồi sinh ra Ngài. Tại đình Hàm Long (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng thờ vị Ngô Long này. Đình An Duyên (xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội) có thờ một vị họ Ngô là Ngô Ngọ Lang, cũng là một vị dũng tướng thời Hùng Vương thứ 18 có công với nước được thờ làm thành hoàng làng. Theo thần tích thì Ngài quê trang Bảo Ngũ, huyện Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam Hạ. Xem ra thì Ngài Ngô Ngọ Lang này là người Việt !
Nhưng những địa danh trên rõ ràng là mới có từ thời Lê Trung Hưng (từ thế kỷ 16), vả chăng các thần tích, thần phả cũng chỉ mới được viết từ thời Hồng Phúc (1572) bởi Lễ bộ Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính thì cũng chẳng có gì xác thực mà chỉ là nhưng huyền thoại lưu truyền trong dân gian được tập hợp lại mà thôi. Hơn thế nữa, trong một số bản thần tích do vị đại học sĩ này viết cũng có những điều không chuẩn xác, ví như Thần tích đình làng Đa Phú (phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội), Nguyễn Bính viết: “Xưa khi trời Nam mở vận, Thánh Tổ dựng cơ đồ trải hơn 2000 năm, Hùng Vương dựng nước đặt quốc hiệu, là tổ của Bách Việt. Đến hậu duệ vua Hùng truyền trải các đời Đông Hán, Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương có tới 349 năm, núi sông nước Nam đều thuộc nội quận của họ..”. Con số 349 năm là sai, mà phải là 519 năm mới đúng.
Từ những điều trinh bày sơ lược trên, tất thảy những người từ trước đến nay có ít nhiều tham gia công việc của dòng họ Ngô đều nhất trí không chọn những người họ Ngô hiện diện trong thần tích thần phả làm nguồn gốc xuất xứ của họ Ngô sinh sống trên đất nước ta. Mặt khác, do biến thiên của lịch sử, cư dân phương Bắc có xu hướng dịch chuyển xuống phương Nam, trong đó có những người họ Ngô. Thời nhà Minh, nhà Thanh bên Trung Quốc, do loạn lạc, một số người mang họ Ngô chạy xuống phương Nam định cư lại nước ta, lập thành các chi họ Ngô ở rải rác khắp Bắc – Trung – Nam. Chúng tôi có biết một số họ Ngô như vậy ở Thanh Hóa, ở Nha Trang, ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay ở quận Bắc Từ Liêm cũng có một họ Ngô 13 – 14 đời có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Nhận thức rằng, tiên tổ của những chi họ Ngô đó không rõ có quan hệ huyết thống gì với những người họ Ngô sinh sống trên đất ta hay không, nên chủ trương không biên tập Phả hệ những chi họ đó vào Phả hệ họ Ngô, nên cuốn Phả hệ mới có tên: PHẢ HỆ HỌ NGÔ VIỆT NAM.
Phả hệ họ Ngô Việt Nam xác định Ngô Nhật Đại là vị Khởi tổ của họ Ngô sinh sống trên đất nước Việt Nam ta. Điều này căn cứ vào bản Phả của Hán Quốc công Ngô Lan biên soạn từ năm Đinh Dậu (1477) thời Hồng Đức dưới triều vua Lê Thánh Tông. Theo bản Phả đó thì Khởi tổ Ngô Nhật Đại là hào trưởng châu Phúc Lộc tham gia khởi nghĩa Mai Thúc Loan (722), sau thất bại chạy ra Châu Ái, lập nghiệp bằng nghề nông, sinh con trai Ngô Nhật Dụ. Phả chép Ngô Nhật Dụ là đại nho gia, Liêu tá Phủ Đô hộ của nhà Đường. Con Nhật Dụ là Đình Hạo, Đình Hạo sinh Đình Thực là hào trưởng. Hào trưởng Đình Thực sinh Đình Mân. Ngô Đình Mân làm Mục Đường Lâm, Mục Phong Châu, lấy vợ là bà Phùng Thị Tịnh Phong sinh ra Ngô Quyền và Ngô Tịnh.
Người em Ngô Tịnh được anh giao trọng trách trấn thủ Kỳ Hoa (tức Kỳ Anh) để chống giữ Chiêm Thành, sinh 5 con trai trong đó có ba người làm mục châu Hoan, mục châu Ái và hào trưởng Kỳ Hoa; hai người đi tu. Tất cả năm người đều thất truyền.
Người anh là Ngô Quyền sinh ngày 12 tháng Ba năm Đinh Tỵ (897), năm Ngài 20 tuôi, cha mẹ đều mất cả, Ngài quay vào Châu Ái (tức Thanh Hóa) làm Nha tướng của Dương Đình Nghệ. Ngô Quyền được Dương Đình Nghệ gả cho con gái Dương thị làm vợ. Đến năm 931, Ngô Quyền cùng Dương chủ tướng kéo quân từ Ái Châu ra Bắc tiêu diệt quân Nam Hán đọat lại chức Tiết độ sứ Giao Châu. Sau chiến thắng, Dương Đình Nghệ sai Ngô Quyền lại quay về quản lý Ái Châu. Năm 937 Kiều Công Tiễn manh tâm giết hại Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ để tiếm quyền. Đoán biết thế nào Ngô Quyền cũng đem quân ra hỏi tội, nên tên phản chủ Kiều Công Tiễn đã lộ mặt là kẻ bán nước, sai người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán Lưu Cung thấy đây là môt cơ hội tốt để xâm chiếm nước ta một lần nữa, cũng là để trả thù cho lần thất bại 6 năm về trước, bèn phong cho con là Hoằng Tháo làm Giao Vương và sai đem quân sang cứu Tiễn để thừa thế hòng cướp nước ta.
Được quân dân cả nước theo về, tháng đầu mùa đông năm Mậu Tuất (938), Ngô Quyền đã hạ thành Đại La, giết tên gian thần bán nước Kiều Công Tiễn, trừ mối họa bên trong, rồi bày trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng để làm mồ chôn quân xâm lược Nam Hán cùng chủ tướng của chúng là Lưu Hoằng Tháo.
Mùa xuân năm sau, năm 939, Ngô Quyền xưng Vương, giành lại quyền độc lập tự chủ cho đất nước sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Đây là thời kỳ oanh liệt nhất trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước ta và cũng là thời kỳ rực rỡ nhất của dòng họ Ngô.
Ngô Quyền sinh 4 con trai, trong đó hai người được sử sách ghi nhận là Ngô Xương Ngập và Ngô Xương Văn.
Con thứ Ngô Xương Văn sinh Ngô Nhật Khánh và Ngô Nhật Chung. Ngô Nhật Khánh là sứ quân Đường Lâm, hậu duệ là họ Ngô Đồng Thanh (Vũ Thư, nay thuộc Thành phố Thái Bình). Ngô Nhật Chung điền chủ Đỗ Động sinh Nhật Minh, vì chống lại nhà Đinh bị đàn áp, con cháu li tán, nay chưa tìm thấy hậu duệ.
Con trưởng Ngô Xương Ngập: Sau khi Ngô Quyền mất (944), kế đến Hậu Ngô Vương rồi loạn 12 sứ quân, con cháu Ngô Vương li tán khắp nơi lập ra những dòng họ Ngô ở khắp đất Bắc: Con trưởng Ngô Xương Ngập là Ngô Xương Xí xưng Sứ quân Bình Kiều ở Thanh Hóa sinh ra Ngô Xương Sắc và Ngô Ích Vệ thành hai Ngành: Trưởng, Thứ hiện nay.
Ngành trưởng, bắt đầu từ Ngô Xương Sắc (đời thứ 9) sinh Ngô Tử An, là Phụ quốc triều Tiền Lê. Triều Tiền Lê ngắn ngủi, chuyển sang triều Lý. Vì triều Lý định đô ở Thăng Long, nên con cháu không làm chức việc gì dần dần sa sút, nghèo khổ. Cho mãi đến cuối triều Lý thì Ngô Rô (đời 17) chuyển về Động Bàng tức là Đồng Phang nay thuộc xã Định Hòa huyện Yên Định tỉnh Thanh Hóa. Ngô Rô sinh Ngô Tây, Ngô Tây sinh 4 con trai, trong đó con đầu và con út thất truyền còn 2 con giữa là Ngô Trừng và Ngô Kinh. Đây là thời kỳ phát triển mạnh nhất của dòng họ Ngô.
Con trưởng Ngô Trừng là Tham đốc Nghị Quốc công, hậu duệ là họ Ngô Lạc Nghiệp (Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định). Họ Lạc Nghiệp phân chi đi nhiều nơi, trong đó có họ Ngô Vạn Xuân (Vạn Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) – họ có Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, có một nhánh đổi sang họ Vũ.
Con thứ Ngô Kinh sinh 4 con trai, trong đó con trưởng là Ngô Từ cùng cha trông nom căn cứ, chăm lo việc quân lương cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Sau thắng lợi, Ngô Kinh được phong Thái phó Hưng Quốc công, Ngô Từ được phong Bình Ngô khai quốc đệ nhất công thần Thái bảo Chương Khánh công. Ngô Từ sinh 11 con trai đều có công lớn với nhà Lê (3 hầu tước, 8 quận công); 8 con gái đều là á quận quân, đặc biệt có Ngô Thị Ngọc Dao lấy Lê Thái Tông sinh Thánh Tông, một ông vua sáng nhất trong các vị vua thời phong kiến ở nước ta. Nghĩ đến công lao của đấng sinh thành, vua Lê Thánh Tông truy phong ông ngoại là Ngô Từ tước Vương (Diên Ý Dụ Vương). Trong 11 con trai của Diên Ý Dụ Vương, thì người con trưởng vô tự, 1 người không rõ tung tích, còn 9 người lập thành 9 dòng đươc ghi theo tên nhân vật:
Dòng 1: Dòng Đôn Nghĩa hầu Ngô Lộc, con cháu là họ Thượng Cát (Từ Liêm, Hà Nội).
Dòng 2: Điện Bàn hầu Ngô Hồng, con cháu là họ Bình Ngô (Thiệu Vũ, Thanh Hóa). Dòng này phân chi ra Xuân Lũng (Lâm Thao, Phú Thọ) cải họ Nguyễn.
Dòng 3: Dòng Thanh Quốc công Ngô Khế, dòng này phát triển mạnh mẽ nhất. Phần lớn các dòng, chi đã được kết nối đều thuộc dòng này. Ngô Khế sinh 11 con trai lập thành 11 dòng nhỏ được kể theo địa danh:
Dòng Trảo Nha (Thạch Hà, Hà Tĩnh), lịch sử gọi là dòng tướng Thạch Hà. Dòng họ có đến 18 Quận công. Một số nhân vật tiêu biểu như: Danh tướng Thế Quận công Ngô Cảnh Hựu, Tào Quận công Ngô Phúc Vạn, Chấn Quận công Ngô Văn Sở (Tây Sơn), Tiến sĩ Ngô Đức Kế, Ngô Đức Thắng – người khai mở cội nguồn Ngô Tộc vv . Dòng Trảo Nha phân chi khắp tỉnh Hà Tĩnh và hơn 60 chi họ ở Quảng Nam.
Dòng Tam Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh) với Thủy tổ Ngô Quân Hiên, là họ duy nhất ở nước ta có đến 10 vị đỗ đại khoa, trong đó có Ngô Miễn Thiệu, vị Trạng nguyên duy nhất của họ Ngô, người có tài “Lập thi thoái lộ”- đứng làm thơ mà lui được giặc Minh. Dòng này phân thành hai nhánh, nhánh trưởng phân cư về Phù Vệ (Hải Dương), về Việt Yên (Bắc Giang) cải sang họ Dương có nhân vật Hiển Quận công Dương Quốc Cơ, bố nuôi Hoàng Ngũ Phúc. Dòng này phân chi gần 20 chi dòng, trong đó có một số chưa nối thông được do mất phả. Nhánh thứ ở quê gốc Tam Sơn được phân chia ra rất nhiều chi họ: Ngô Đức, Ngô Phú, Ngô Gia – có Ngô Gia Tự, Ngô Gia Hy, Phúc Tinh, Đồng Đường – họ có GS Ngô Vĩnh Long khá nổi tiêng ở Mỹ
Dòng Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) là dòng nổi tiếng với Văn phái Ngô Gia tiêu biểu là Ngô Thời Sĩ, Ngô Thời Nhậm.
Dòng họ phân cư nhiều nơi, đến nay chỉ mới có một số ít tìm về như họ Thị Cấm (Từ Liêm), họ Quảng Bá (Tây Hồ), họ Vũ Lạc (Kiến Xương), họ Đông Cao (Tiền Hải), họ Phúc Tiên (Hưng Nhân), họ Đông Bạn, Mỹ Xá (Tiên Lữ), họ Hội Phụ (Bắc Ninh), họ Ninh Hiệp (Gia Lâm) họ có Ngô Văn Sở (Gia Long), họ Yên Cước (Bình Lục), họ Đại Mão (Thuận Thành),
Dòng Vọng Nguyệt (Yên Phong, Bắc Ninh), dòng họ nổi tiếng có 5 vị đỗ đại khoa. Nhân vật tiêu biêt là Hội nguyên Hoàng giáp, Thái úy Sùng Quốc công Ngô Nhân Trừng và Ngô Tổng (tức Ngô Nhân Tùng) cùng với Thân Duy Nhạc khởi nghĩa chống lại Lê Uy Mục bị triều đình đánh dẹp đến thời Lê Tương Dực thì bị bắt xử tử. Con cháu trong dòng họ chạy trốn họa “tru di” hàng mấy chục người, phần đông số đó nay chưa kết nối được, ngoại trừ 2 chi họ ở Dục Nội (Đông Anh). Quanh vùng Vọng Nguyệt, trong vòng bán kính vài chục cây số có rất nhiều họ Ngô, đặc biệt là huyện Hiệp Hòa. Có thể những họ này phải mai danh ẩn tích tránh họa, phả ký không đầy đủ nên không thể kết nối.
Dòng Lý Trai (Diễn Châu, Nghệ An) cũng là một dòng họ có 5 vị đỗ đại khoa, trong đó có “Phụ tử đồng khoa”: Ngô Trí Tri – Ngô Trí Hòa, là hai cha con cùng đỗ khoa thi năm Nhâm Thìn (1592) do nhà Lê tổ chức ở Thanh Hóa chỉ lấy đỗ 3 người. Đây là trường hợp duy nhất ở nước ta, vừa được ghi vào Kỷ lục ginet của Việt Nam. Dòng này phát triển mạnh phân cư khắp tỉnh Nghệ An. Do có một thời kỳ sa sút, phả ký không được ghi chép cập nhât, nên tuy biết thuộc dòng nhưng không nối được. Sống trong cái nôi của truyền thống hiếu học, nên đa số con cháu dòng họ chịu kham khổ học tập vươn lên, nên ngày nay nhiều người thành đạt trên nhiều mặt: Văn học Nghệ thuật, Quân sự, Ngoại giao như nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trung tướng Ngô Văn Sơn, Ngô Trí Nhân và 2 vị khác, như cha con nhà ngoại giao Ngô Quang Xuân – Ngô Phương Lan,..
Dòng Bách Tính (Nam Hồng, Nam Định) là dòng có Tiến sĩ Ngô Trần Thực, người có câu đối được in ở đầu Phả Hệ Họ Ngô Việt Nam, sau này có nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Ngô Xuân Lộc. Thuỷ tổ của dòng này Ngô Công Tín là con thứ 6 trong sáu con trai “cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế. Dòng họ này phân cư về Phạm Xá (Ý Yên), về Xuân Tiến (Xuân Trường), về Quỹ Đê (Nghĩa Hưng) cải sang họ Phạm là một họ lớn lập nhiều công lao trong thời Lê Trung Hưng, có đến 10 vị vừa tước công và tước hầu.
Dòng Đồng Phang I Ngô Khắc Cung con cháu sinh sống ở quê gốc Đồng Phang. Trong thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng có nhiêu đóng góp cho vương triều có đến hơn 20 người được phong tước công hoặc tước hầu. Ngày nay con cháu có nhiều người thành đạt, mắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở xã, ở huyện. Dòng họ phân chi nhiều nơi: Tống Văn (Thái Bình) cải họ Phan, có Phan Hữu Lập, người viết bản Phả Ngô Gia thế biên nổi tiếng, có Cử nhân Phan Cảnh Tung, người có công kết nối một số chi họ vùng Nam Định, Thái Bình với họ gốc Đồng Phang. Dòng họ phân cư đi nhiều nơi trong tỉnh Thanh Hóa và ngoại tỉnh như: Họ Liễu Đề (Nghĩa Hưng), họ Lộc Hà (Đông Anh), họ An Nông (Nam Trực) v.v
Dòng Đồng Phang II Ngô Văn Bính là dòng họ lớn có đóng góp rất lớn trong thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, đặc biệt là vị tổ của dòng họ Ngô Văn Bính. Ông là người được Lê Thánh Tông tin tưởng giao cho “Lưu thủ Đông Kinh” khi vua đi chinh Chiêm Thành, có công lớn khi dẹp cuộc khởi nghĩa của Thân Duy Nhạc và Ngô Nhân Tùng. Đến năm 1518 do mâu thuẫn phe phái, Ngô Văn Bính bị phế truất, con cháu sợ phải mai danh ẩn tích, phả ký đốt bỏ, nên ngày nay chỉ có một chi họ ở lại Đồng Phang, còn đều phân cư đi nơi khác vì dấu giếm tung tích nên không kết nối được. Ngay đến mộ Ngô Văn Binh cũng bị thất lạc.
Dòng Đồng Phang III Ngô Thế Bang có công lao rất to lớn trong thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng có hơn 10 người vừa được phong tước công hoặc tược hầu, nhưng vì chắt là Ngô Tháo trốn ra vùng kiểm soát của nhà Mạc để học sau thi đỗ Tiến sĩ làm quan với nhà Mạc đến Lễ Bộ Tả thị lang nên về sau bị triều đình tước bỏ danh hiệu “Công thần dữ quốc đồng hưu” con cháu không được lục dụng. Hiện nay ở Đồng Phang có một chi họ được lưu lại từ trước để trông nom từ đường thờ cúng tổ tiên, còn nữa thì di cư đi nơi khác như Thọ Xuân, Hậu Lộc (Duy Tinh), Nam Định (Ngô Bá Liễu Đề) – họ có một nhánh họ Trần cải sang họ Ngô.
Dòng La Phù (Hoài Đức, Hà Nội) là dòng họ cải sang họ Hoa từ khi Mạc cướp ngôi nhà Lê cho đến đời 13 do kị húy bà Hồ Thị Hoa là mẹ vua Thiệu Trị nên trở về họ cũ là họ Ngô. Dòng họ chia thành 6 chi, đa đinh, nhưng chi 1 làm ăn sa sút, hai lần bán bỏ Từ đường đẩy dòng họ vào thế đối đầu, chia rẽ. Nhưng nhờ khéo léo giải quyết không để đổ vỡ mà ngày nay đã đoàn kết lại, xây dựng được từ đường mộ tổ khang trang, con cháu làm ăn phát đạt. Đặc biệt anh Ngô Văn Tuấn đã mời Hội đồng Ngô tộc Việt Nam đặt trụ sở tại cơ quan mình, tạo mọi điều kiện cho Hội đồng làm việc về phương tiện cũng như kinh phí.
Trên đây là 10 dòng nhỏ lập nên từ 10 con trai Ngô Khế. Nhưng Ngô Khế còn người con nữa là Ngô Thế Thái ở Quảng Trị, nhưng xưa nay chưa liên lạc với nhau được.
Dòng 4: Dòng Hán Quốc công Ngô Lan có nhiều công lao to lớn với nhà Lê Trung Hưng, lại có con cháu là Ngô Thị Ngọc Lâm làm Dục Thánh Thái Phi của Trịnh Tùng nên 3 vị tiên tổ được truy phong tước Vương, hai vị tước Quốc công, hàng chục vị tước Quận công và tước hầu. Bản thân Ngô Lan từng cùng Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành có công được phong Thái bảo Hán Quốc công được ban 180 mẫu tự điền. Nhưng đóng góp to lớn nhất của Hán Quốc công là bản Gia phả Ngài để lại nhờ thế mà con cháu ngày nay mới biết được gốc tích của dòng họ. Dòng này ngoài chi họ ở lại bản quán kinh dinh tự điền tại Cụ Thôn (Hà Trung) ra còn phân cư đi nhiều nơi như Tiên Lãng (Hải Phòng), có một dòng đổi sang họ Phạm Ngô, họ có nhân vật nổi tiếng Tạo Quận công Phạm Ngô Cầu, trấn thủ Thuận Hóa hơn 10 năm sau bị Nguyễn Huệ chiếm Thuận Hóa và bắt giết, thì họ Phạm Ngô sa sút, li tán khắp nơi, mới tìm lại được hai chi họ đã lấy lại họ gốc là họ Lữ Đô (Ý Yên) và Căng Hạ (Thọ Xuân).
Dòng thứ 5: Dòng Huệ Quốc công Ngô Nạp là dòng họ có nhiều công lao trơng thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng, cũng có hàng chục vị được phong tước quận công, tước hầu. Dòng họ chủ yếu sinh sống ỏ vùng Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành có đến 20 nơi. Trong đó hai nhánh chuyển ra Bắc là họ Tiên Lữ (Hưng Yên) và một nhánh đổi sang họ Phan từ Yên Thành chuyển ra Xuân Phương (Xuân Trường), 5 đời sau phân chi về Minh Giám (Kiến Xương) là họ của ông Vua Ba Vành (tức Phan Bá Vành) nổi quân chống nhà Nguyễn vào thời Minh Mạng.
Dòng thứ 6: Dòng Đức Quận công Ngô Hộ. Ngô Hộ có 3 con lập thành 3 dòng nhỏ:
Dòng Ngô Hoan ở Nghiêm Xá (Thường Tín). Ngô Hoan đỗ Hoàng giáp sinh Ngô Ước đỗ Hoàng giáp, Ngô Hoành đỗ tiến sĩ đồng khoa. Do phả ký bị mất, nên chưa thể kết nối.
Dòng Ngô Hoán ở Thượng Đáp (Nam Sách). Ngô Hoán đỗ Bảng nhãn, Thành viên Hội Tao Đàn, Lại Bộ Thượng thư thời Lê Chiêu Tông, sinh 2 con. Cả ba cha con không theo nhà Mạc mà ông chạy vào Thanh Hóa theo Nguyễn Kim phò Lê diệt Mạc. Con cháu sợ, trốn chạy khỏi quê hoặc cải họ thay tên mai danh ẩn tích. Ngô Hoán được thờ làm Thành hoàng làng Thượng Đáp, đình bị phá nên được thờ ở đền. Trong đền còn 3 tấm bia trong đó Bia Thi Tập Bi Ký do Hội Tư Văn xã lập năm 1880. Văn bia ghi danh những người làng Thương đáp từ Tú tài trở lên và 16 bài thơ của Ngô Hoán. Trong số người được vinh danh trong bia có 8 người họ Ngô, hẳn những người này đều là con cháu Ngô Hoán, nhưng nay chưa tìm thấy một ai.
Dòng Ngô Đạo ở Ngọc Than (Quốc Oai), khi Mạc cướp ngôi nhà Lê, ông lánh về Đan Điền (Vĩnh Bảo) rồi chuyển về Ngọc Than sinh con lấy họ Đỗ. Dòng này chủ yếu sinh sống ở quê, riêng chi trưởng chuyển cư ra nội thành Hà Nội. Đến vị trưởng tộc đời thứ 9 là Đỗ Đức Hợp bỏ đi đâu mất, thành thử phả ký không thật đầy đủ.
Dòng thứ 7: Dòng Thượng tướng quân Ngô Lương, phả chép đến đời cháu rồi không chép nữa. Có phả chép con cháu Ngô Lương chạy về Chương Đức (tức Chương Mỹ) nhưng chưa tìm thấy.
Dòng thứ 8: Dòng Tế Quận công Ngô Hựu. Ngô Hựu sinh Ngô Trầm, phả chép ông đỗ Hoàng giáp, thành viên Hội Tao Đàn, nhưng sách Khoa bảng Việt Nam không có ai có tên như vậy, mà có tên Ngô Văn Cảnh. Có thể Ngô Văn Cảnh chính là Ngô Trầm chăng?
Dòng thứ 9: Dòng Hoa Quốc công Ngô Nhạn. Ông có công cùng Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, được phong Chưởng Bắc Phủ, được cấp 180 mẫu tự điền. Hậu duệ là họ Tam Tảo (Tiên Du), là một dòng họ lớn phân cư quanh vùng, có nhánh về Quảng Cư (Thủy Nguyên) con cháu đông đúc, làm ăn phát đạt. Thời Lê Trung Hưng nhiều người làm quan. Gia phả của dòng họ được Ngô Phúc Lâm (đời 9) soạn Cựu Phả, Ngô Quốc Lương (đời 12) viết Tân Phả vào năm 1880, rồi sau đó không ai tục biên, nên chưa thật đầy đủ hậu duệ 21 – 22 đời.
Ngành trưởng Ngô Xương Sắc (đời 9) truyền đến Ngô Kinh (đời 19).
Ngô Kinh ngoài con trưởng Ngô Từ mà sự truyền nối đã nêu sơ lược ở trên, còn có 3 con thứ: Ngô Đức, Ngô Khiêm, Ngô Đam.
Dòng Mỹ Quận công Ngô Đức (Cốc Thôn, Thọ Xuân) là một dòng lớn đến 150 hộ với hơn 700 suất đinh nhưng định cư tản mát khắp nơi trong huyện. Phả cũ không còn, chỉ có bản kê khai các ngày giỗ kỵ và các hộ gia đình, nên khó kết nối. Có thể dòng họ phân cư vào Thanh Châu (Quảng Nam) thành một họ lớn, từng được Tổng thông Ngô Đình Diệm cho tiền để tái thiết từ đường.
Dòng Thận Quận công Ngô Khiêm, là một dòng họ lớn có nhiều công lao trong thời Lê Sơ và Lê Trung Hưng có đến 2 vị được phong Quốc công, 3 quận công, còn hầu, bá thì nhiều. Trong tờ tâu của cháu nội Ngô Khiêm là Ngô Chân lên vua Lê Thánh Tông, ông viết: “Riêng chú bác, anh em cha thần hơn 30 người tại chức, còn 30 người chờ bổ dụng”. Ấy vậy mà đến năm Tự Đức 33 (1866) ở địa bàn cư trú chính của dòng này là Xuân Thiên (Thọ Xuân) chỉ còn có 19 suất đinh! Những người biên soạn phả họ này cho biết xưa kia dòng họ có phả nhưng do chống nhà Tây Sơn nên bị quân Tây Sơn đàn áp, hủy diệt làng nên phả bị cháy, con cháu li tán. Chẳng lẽ những người khác đều bị sát hại cả hay sao hay chỉ vì không có ai chịu bỏ công đi tìm kiếm chắp nối?
Hiện có họ Ngô từ địa bàn cư trú của Thận Quận công Ngô Khiêm, cũng chạy trốn khỏi Thanh Hóa cùng thời với “lục nam cư biệt quán” của Thanh Quốc công Ngô Khế, ra Đại Thành (Hiệp Hòa) họ có Ngô Trang đỗ Tiến sĩ năm 1538.
Dòng Đô đốc Thượng tướng quân Ngô Đam. Ngô Đam sinh Vinh Quốc công Ngô Xuyến vì có công nên được phong 180 mẫu tự điền ở xã Kim Lăng huyện Chân Lộc phủ Đức Quang (Đức Thọ). Ngô Xuyến sinh Hoa Dương hầu Ngô Chung, rồi thất truyền từ đây.
Ngành thứ bắt đầu từ Ngô Ích Vệ (đời 9), Ngô An Ngữ (đời 10), Ngô Tuấn (Lý Thường Kiệt), Ngô Chương (Lý Thường Hiến) – đời 11 cho đến Ngô Bệ (đời 17) là cùng thế hệ với Ngô Rô ở Ngành trưởng. Do Ngô Bệ khởi nghĩa chống lại nhà Trần 16 năm (1344 – 1360), sau thất bại Ngô Bệ bị xử tử, họ tộc bị đe dọa nên lánh nạn khắp nơi. Gần đây mới tìm lại được mấy dòng:
Dòng Ngô Quang Thái Hòa (Thăng Long), vì trong phả chép nhiều vị quan to triều đình, con cháu sợ liên lụy nên đốt bỏ phả trong thời kỳ “chống mê tín”, dòng này còn lại không nhiều người. Sử quan Ngô Sĩ Liên thuộc dòng này. Quê gốc Ngô Sỹ Liên là Làng Nứa (Chi Nê, Chương Mỹ) sau mới dời về Đa Sĩ.
Dòng Bắc Biên (Ngọc Thụy, Gia Lâm) là quê Lý Thường Kiệt, nơi chính thờ Ngài, nhưng gia phả cũng bị mất nên không kết nối được với các nơi khác.
Dòng Ngô Vi Tả Thanh Oai (Thanh Trì), thủy tổ Ngô Bồ đốc (đời 18) chưa rõ là con vị nào trong 3 con trai của Ngô Minh Nghĩa, có thể là Ngô Giám Công, người mà phả cũ chép là chạy về Đỗ Động. Dòng họ này phát triển mạnh gồm 9 chi, phân cư đi đến 10 nơi, trong đó có họ Văn Cang (Hoài Nhơn, Bình Định) họ Phục Thiện (Chí Linh) cải sang họ Nguyễn, nhưng đều không có phả đầy đủ để kết nối. Dòng họ có hai vị đỗ đại khoa là hai chú cháu và một vị đặc tiến Tiến sĩ. Ngày nay con cháu có nhiều người học hành đỗ đạt cao, thiên về ngành y. Dòng họ có GS Ngô Vi Thiện, nhiều năm làm Phó Ban Liên lạc họ Ngô Việt Nam, chủ biên Phả hệ Họ Ngô Việt Nam/2003.
Dòng Phong Cốc với Thủy tổ Ngô Bách Đoan, vốn là giám sinh QTG triều nhà Hồ, bị Lê Lợi đuổi khỏi Thăng Long năm 1428. Ngô Bách Đoan cùng 16 vị đều là hiệu sinh, giám sinh chạy ra Phong Cốc có công khai phá vùng đất này. Dòng này đa đinh, nhiều người thành đạt, phân chi đi một số nơi trong tỉnh Quảng Ninh. Dòng họ có nhiều người làm ăn khá giả và giàu có, xây dựng Mộ Tổ, Từ đường khang trang, hàng năm lễ Tế Tổ được tổ chức long trọng, hoành tráng ít có nơi nào bằng. Dòng họ có bà Ngô Thị Minh là Phó Chủ nhiêm Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Trên đây là mấy nét khái quát về các dòng họ lớn đã nối thông tới Khởi tổ Ngô Nhật Đại. Đến nay đã có thế hệ thứ 45 – 46.
Bên cạnh đó, cho đến năm 2014, Phả hệ họ Ngô Việt Nam chuẩn bị tái bản lần thứ hai vào năm tới (2015) đã liên kết được với 208 chi họ đã có Gia phả ở 29 tỉnh thành trong cả nước, ngoài ra còn có 126 họ có đầy đủ các thông tin về chi ho: Thủy tổ, số đời, địa bàn cư trú, nhưng chưa có gia phả chi tiết.