1. Tên di tích: Bia Khai Nghiêm và chùa Vọng Nguyệt.
2. Loại công trình: Bia, chùa
3. Loại di tích: Lịch sử.
4. Quyết định: Đã xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 35/2005/QĐ-BVHTT ngày 22 tháng 8 năm 2005.
5. Địa chỉ di tích: Thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
6. Tóm lược thông tin về di tích: Chùa Khai Nghiêm Vọng Nguyệt
Vọng Nguyệt – tên một làng quê nghe trữ tình thơ mộng biết bao nhưng làng Vọng Nguyệt có tự thuở nào? Theo văn bia tại làng do Hàn Lâm Học Sỹ Trương Hán Siêu soạn đời Trần thì làng Vọng Nguyệt cổ có tên là xã Thứ Nhị, giáp Như Ngột thuộc Bắc Giang Lộc Thượng Bạn. Xã Thứ Nhị (Tức làng Vọng Nguyệt) là một trong 10 tụ điểm dân cư cổ của huyện Yên Phong ngày nay. Thời kỳ trước cách mạng tháng 8 năm 1945 làng Vọng Nguyệt thuộc tổng Nội Trà, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh và ngày nay là thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Chùa Vọng Nguyệt xưa được xây dựng với 3 toà gồm toà Tam Bảo, toà nhà Điện và toà nhà Mẫu với hệ thống nhà khách, nhà sắp cỗ. Trong Tam Bảo có nhiều bức hoành phi và nhiều đôi câu đối cổ. Trên nóc Tam Bảo có 3 chữ lớn “Khai Nghiêm Tự” tức chùa Khai Nghiêm. Cùng trong Tam Bảo có nhiều pho tượng phật cổ được tạc bằng gỗ có giá trị. Phía trước sân Tam Bảo là ngôi Tam Quan với gác chuông có treo một quả chuông lớn bằng đồng do bà Trần Thị Lựu là phu nhân quan nghè Nguyễn Duy Thức đứng ra hưng công năm Đinh Tỵ (1797). Ngày ấy mỗi khi nhà chùa thỉnh chuông lại vang vọng cả xóm làng. Chuông chùa quý giá ấy vẫn còn lưu giữ đến ngày nay. Đặc biệt ở về phía Tây Tam Bảo có ngôi miếu thờ bên trong là tấm bia đá lớn có giá trị lịch sử vì được ghi văn bia của nhà Hàn Lâm Học Sỹ Trương Hán Siêu thời Trần triều. Theo văn bia:
“Chùa Khai Nghiêm ở xã Thứ Nhì (tức làng Vọng Nguyệt ngày nay) giáp Như Ngột thuộc Bắc Giang Lộ – Thượng Ban là ngôi chùa do công chúa Nguyệt Sinh triều Lý xây dựng. Xung quanh: Núi Tiên Sơn chầu Phía Nam, sông Điểm Giang bao bọc phía Bắc, cảnh đẹp cả một vùng, thực đã quy tụ ở nơi đây. Nhưng tiếc thay xây dựng trước đã đổ nát chẳng còn được bao nhiêu. Lúc đó Chu Tuế làm chức nội nhân Hoả Đầu (Viên quan lớn trong triều thời Trần) dắt dẫn dân làng góp công, góp của xây dựng lại. Khởi công từ năm Quý Dậu, Niên hiệu Khai Hựu thứ 5 (1333) đến năm Ất Hợi (1335) niên hiệu Khai Hựu thứ 7 thì xong. Ngày làm lễ khành thành già trẻ trong cả một vùng đều nắm tay nhau reo hát, tưởng như công chúa Nguyệt Sinh sống lại”.
Mùa đông năm Mậu Dần Chu Tuế thân hành để Phủ Thiên Trường xin nhà Hàn Lâm Học Sỹ Trương Hán Siêu viết cho bài ký và đã được khắc lên bia đá với nội dung thứ nhất đã nêu ở phần trên. Với nội dung thứ hai văn bia của nhà Hàn Lân Học Sỹ Trương Hán Siêu có giá trị lịch sử lớn. Ông đã đứng trên quan điểu chính thống của Nho giáo do thành triều ban: “Phải đưa hoạt động đạo phật theo đúng hướng, phải sửa đổi phong tục dị đoan mà dựa vào nhà chùa làm những điều khong lành, để cho chính đạo phải được phục hưng”.
Như vậy Chùa Khai Nghiêm Vọng Nguyệt đã có trên 700 năm lịch sử và tồn tại. Tại ngôi chùa cổ kính này đã diễn ra bao sự kiện theo dòng lịch sử đáng ghi nhớ:
– Những năn trước cách mạng tháng 8 dân ta có tới trên 90% bị mù chữ, năm 1942 tại ngôi nhà ba gian cạnh Tam Bảo nhà Chùa Vọng Nguyệt cụ giáo Đàm người xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà về mở lớp Hương sư để dạy Quốc ngữ ở Vọng Nguyệt.
– Để có cán bộ quân sự xây dựng phong trào chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa, cuối tháng 5 năm 1945 cấp trên đã gia nhiệm vụ cho Vọng Nguyệt tổ chức 2 lớp tập huấn quân sự cho các xã thuộc khu vực thượng huyện Yên Phong. Chùa làng Vọng Nguyệt được chọn làm nơi học tập và an nghỉ. Lớp học có 2 giảng viên trong đó ông Đinh Vân người xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà phụ trách. Sau lớp học phong trào luyện tập quân sự ở Vọng Nguyệt phát triển khá mạnh góp phần vào cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 thắng lợi.
– Tháng 8 năm 1947 chùa Vọng Nguyệt được xưởng chế tạo quân giới chọn là nơi sơ tán để chế tạo lựu đạn phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta.
– Trong những năm kháng chiến chống Pháp (1945-1954) các chiến sỹ du kích quê ta đã dùng ngôi chùa làm nơi ẩn tránh để chờ thời cơ tiêu diệt giặc và phá đồn địch.
– Năm học 1961-1962 trường cấp II Tam Giang nay là trường THCS Tam Giang được thành lập. Nhà trường phải học nhờ tại Đình làng, để tạo điều kiện cho việc xây dựng trường, được sự nhất trí của chi bộ và sự đồng tình của nhân dân Vọng Nguyệt, sư cụ Nhật Tân trụ trì Chùa làng đã cho ban xây dựng tháo dỡ Tam Quan Chùa để tăng thềm phần vật liệu xây dựng nhà trường. Đồng thời sư cụ Nhật Tân còn phát tâm ủng hộ 500 đồng (trị giá bằng 1 cây vàng) cho quỹ xây dựng nhà trường góp phần tạo cho con em Tam Giang được học ở ngôi trường mới khang trang.
– Ở giai đoạn cả nước đương đầu với cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, tháng 7 năm 1966, khoa Xe thuộc Học viện quân sự đã chọn chùa Vọng Nguyệt làm 1 trong những nơi sơ tán để huấn luyện các chiến sỹ lái xe, góp phần cho cuộc kháng chiến đánh Mỹ giành thắng lợi hoàn toàn mùa xuân năm 1975.
Chùa Khai Nghiêm Vọng Nguyệt đã trải qua nhiều năm tháng nên một phần do thiên nhiên và một phần do chiến tranh đã làm cho ngôi chùa bị xuống cấp, nhất là toà Tam Bảo. Để bảo tồn di sản quý báu của làng, tháng 9 năm 1995 chi bộ Vọng Nguyệt họp bàn và ra nghị quyết trùng tu ngôi Tam Bảo. Nghị quyết của chi bộ được toàn dân Vọng Nguyệt đồng tình hưởng ứng. Lãnh đạo thôn cử ra ban kiến thiết để trùng tu Tam Bảo. Sau hơn 3 tháng xây dựng được sự tham gia đóng góp của toàn dân, đặc biệt là giới cụ bà đã góp công, góp của với lòng hảo tâm công đức của con em Vọng Nguyệt sống xa quê cùng quý khách thập phương đã tạo được nguồn kinh phí trên 100 triệu đồng đủ để trùng tu ngôi Tam Bảo. Đến ngày 20 tháng giêng năm 1996 làng Vọng Nguyệt vui mừng mở hội khánh thành ngôi Tam Bảo chùa làng.
Sau hơn 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đời sống kinh tế của các hộ gia đình Vọng Nguyệt ngày một phát triển. Tháng 11 năm 2001 được sự nhất trí của chi bộ, lãnh đạo thôn đã động viên toàn thể các gia đình trong thôn, cùng con em Vọng Nguyệt sống xa quê và quý khách thập phương đóng góp công đức được gần 100 triệu đồng trùng tu nhà tổ, nhà mẫu, nhà khách của chùa làng thêm khang trang to đẹp hơn. Sau hơn 2 tháng xây dựng ngày 24/02/2002 thôn Vọng Nguyệt long trọng tổ chức lễ hội khánh thành công trình trùng tu chùa làng.
Chùa Khai Nghiêm Vọng Nguyệt được xây dựng, bảo tồn và trùng tu từ cổ xưa đến nay, để có được ngôi chùa cổ kính, bề thế. Chùa làng đã được đón nhiều nhà sư về trụ trì qua nhiều thời gian. Những hoạt động phật giáo của nhà chùa, đều được các nhà sư trụ trì đúng hướng và có hiệu quả, đã tạo được sự đoàn kết cộng đồng thôn xóm, tạo nếp sống lành mạnh góp phần xây dựng quê hương Vọng Nguyệt ngày một đổi mới và phát triển. Với hơn 10 năm về trụ trì chùa làng sư thầy Diệu Thức đã đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng cảnh quan chùa làng ngày thêm tố hảo.
Chùa Khai Nghiêm Vọng Nguyệt được xây dựng từ thời cổ xưa với địa thể và phong cảnh đẹp. Chùa có những toà nhà cổ kính được bảo tồn và trùng tu với những pho tượng phật được tạc toàn bằng gỗ quý với kỹ thuật điêu luyện. Đặc biệt nhà chùa còn bảo tồn được tâm bia đá cổ ghi văn bia của nhà Hàn Lâm Học Sỹ Trương Hán Siêu thời triều Trần có giá trị lịch sử quý báu. Chùa Khai Nghiêm Vọng Nguyệt đã từng trải qua các thời kỳ và tại nơi đây đã diễn ra những sự kiện quan trọng góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ giành thắng lợi.
Chùa Khai Nghiêm Vọng Nguyệt vinh dự được nhận “Bằng xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia”. Cùng chung niềm tự hào với toàn dân Vọng Nguyệt ông Hồng Trạch có bài thơ để viết về ngôi chùa quê hương:
Khai Nghiêm cổ tự đại danh Nam
Công chúa Nguyệt sinh chọn cảnh quan
Hổ phục Phương Tây hòn Thất Diệu
Rồng chầu phía Bắc dải Điềm Giang.
Lưu danh bia đá thiên niên kỷ
Vang vọng chuông đồng khúc nhặt khoan
Di sản thiêng liêng viên ngọc quý
Trường tồn sáng mãi với thời gian.
7. Một số hoạt động nhà trường đã làm trong nội dung chăm sóc di tích lịch sử nói trên.
Trường THCS Tam Giang thuộc xã Tam Giang- Yên Phong – Bắc Ninh là ngôi trường nằm bên bờ nam sông Như nguyệt nơi ghi dấu chiến công hiển hách của Thái úy Lý Thường Kiệt năm 1077 chống quân xâm lược Tống. Năm học 2011-2012 trường vừa tròn 50 tuổi. Trong nửa thế kỉ qua lớp lớp thế hệ thầy và trò nhà trường luôn cố gắng thi đua dạy tốt- học tốt đạt những thành tích đáng tự hào và nhiều phần thưởng cao quý: 48 năm liền trường đạt danh hiêu tiên tiến xuất sắc,năm 1997 và trường vinh dự được Thủ tướng chính phủ trao tặng Huân chương lao động hang ba và hạng nhì. Có thể nói THCS Tam Giang là địa chỉ tin cậy; là điểm sáng của giáo dục Tam Giang nói riêng và của huyện Yên Phong nói chung.
Hưởng ứng phong trào “ Xây dựng trường học thân thiện- Học sinh tích cực” do Bộ giáo dục& ĐT phát động”; trong những năm qua, được sự quan tâm của Ban giám nhà trường, Liên đội triển khai nhiều hoạt động, nhiều phong trào thi đua do cấp trên phát đông: Phong trào “Làm nghìn việc tốt”; “Kế hoạch nhỏ”; “ Uống nước nhớ nguồn”… Nhằm tạo sân chơi bổ ích, kích thích sự sáng tạo tích cực của học sinh. Đặc biệt,qua các phong trào hoạt động giúp các em có thêm hiểu biết và hoàn thiện nhân cách. Nhà trường đăng kí chăm sóc những di tích lịch sử của địa phương: Bến sông Như Nguyệt- Chùa Bồ Vàng, Bia Khai Nghiêm- Chùa Vọng Nguyệt… Tổ chức cho học sinh đăng chăm sóc, bảo vệ với nhiều việc làm thiết thực. Hàng tuần Liên đội phân công cụ thể các lớp lao động, vệ sinh di tích đăng kí chăm sóc. Những ngày lễ, tết nhà trường tổ chức hành hương về nguồn cùng học sinh tìm hiểu thực tế. Hoạt động giáo dục còn được giáo viên lồng ghép qua các môn học như lịch sử, địa lý và qua những cuộc thi: Nhà sử học nhỏ tuổi…Qua những hoạt động trên học sinh có những hiểu biết toàn diện về giá trị to lớn của di tích lịch sử. Từ đó nhận thức đúng hơn trong chăm sóc, bảo vệ khu di tích quốc gia.
Nhận thức hiểu biết đầy đủ về giá trị của các di tích gắn liền với việc tôn vinh di tích là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bởi chỉ có trên cơ sở nhận thức đúng ta mới quan tâm đến việc bảo vệ di tích, bảo vệ di sản văn hóa cộng đồng và hạn chế việc làm tổn hại nó, coi đó như việc làm thiết thực và chỉ có như vậy giá trị của di tích mới được thẩm thấu một cách tự nhiên, bền vững, có sức lan tỏa cho các thế hệ đời này qua đời khác.
Qua những việc làm thiết thực trên, thầy và trò THCS Tam Giang thấy vinh dự, tự hào biết mấy được học tập và rèn luyện trên mảnh đất địa linh nhân kiệt. Tập thể CBGV- CNV và học sinh toàn trường xin hứa sẽ luôn chăm sóc bảo vệ những di tích lịch sử, những giá trị văn hóa địa phương. Luôn tiếp bước truyền thống cha anh, không ngừng vươn lên trong học tập và rèn luyện, xứng đáng với những chiến công hiển hách năm xưa.