Làng Vọng Nguyệt nằm ven sông Cầu thơ mộng, nơi có địa danh nổi tiếng “Bến sông Như Nguyệt” ghi lại chiến công oanh liệt của quân dân Nhà Lý đánh bại giặc Tống năm 1077 dưới sự chỉ huy của Thái úy Lý Thường Kiệt. Nơi đây là đất thuần nông, ngoài trồng lúa nước còn có nghề trồng dâu chăn tầm mà người Vọng Nguyệt rất tự hào:
Dù ai buôn Sở bán Tần
Không bằng Vọng Nguyệt chuyên cần ươm tơ.
Nơi đây còn là vùng đất địa linh nhân kiệt với quần thể di tích lịch sử – văn hóa khá dày, trong đó có nhà thờ Ngô Lệnh tộc Vọng Nguyệt. Trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí”, nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú đã viết: “Làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô kể từ Ngô Ngọc đỗ chính bảng đời Hồng Đức, rồi năm đời đỗ tiến sĩ liên tiếp thật là xưa nay hiếm có”. Cách đây gần ba thập kỷ, năm 1988 nhà thờ ấy đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Mới đây nhất, nhà thờ đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 4481/QĐ-BVHTTDL, ngày 23/12/2015 của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch mà hôm nay địa phương và gia tộc long trọng tổ chức lễ hội đón nhận bằng di tích này.
Nhân sự kiện vô cùng trọng đại này đối với gia tộc, các thế hệ hậu duệ dòng họ lại có dịp tìm hiểu sâu sắc hơn về giá trị lịch sử- văn hóa của di tích nhà thờ cũng như những truyền thống vẻ vang của dòng họ. Trước hết phải kể đến chuyện “Bà Thí thóc” và sự kiện ngũ đại khoa danh chẳng những đã được ghi vào sử sách mà còn được dân gian trong vùng truyền tụng và ca ngợi từ lâu.
Chuyện kể rằng, khoảng giữa thế kỷ XV, Ngô Nguyên- con một quan trọng thần, do sự biến trong triều phải đến sống ẩn dật tại làng Vọng Nguyệt và được viên quan họ Chu nuôi nhận, bảo vệ, về sau gả con gái là Chu Thị Bột cho làm vợ. Họ sinh được hai trai, con trưởng Ngô Ngọc ở lại quê Vọng Nguyệt, con thứ Ngô Định sau di vào Lý Trai, Nghệ An, Ngô Nguyên và Chu Thị Bột trở thành thủy tổ của cả hai dòng họ. Sự kiện ấy đã được thi vị hóa trong “Gia phả diễn ca”:
Bắc Ninh Vọng Nguyệt qua chơi
Có nhà quan cả bắt nuôi giữ gìn
Lạ thay nghin dặm gặp duyên
Sánh bà Chu Thị kết nguyền phượng loan.
Khi con còn nhỏ, tổ ông đi đâu, mất ở đâu, ngày nào đều không rõ, trong gia phả chỉ ghi ngắn gọn một dòng: “Ngô Nguyên, Quốc tử giám Quốc tử sinh ứng vụ nội mật viện sử, hiệu Quảng Bình tướng công”. Điều đó đặt ra trách nhiệm từ nay về sau các thế hệ con cháu vẫn phải tiếp tục việc vấn tổ tầm tông. Sau khi tổ ông mất, tổ bà ở vậy nuôi con. Gặp mấy năm mất mùa, tổ bà đã đem hết thóc của mình bố thí cho người nghèo để cứu giúp họ qua cơn đói khát:
Mấy năm mất cả điền hòa
Dân làng đói khát lòng đà đoái thương
Hiếu sinh sẵn tấm lòng thương
Thóc nhà bố thí cứu thương người nghèo.
Với tấm lòng thương người như thể thương thân, tổ bà chẳng những bố thí thóc mà còn xóa hết nợ cho những người có nợ trước đây:
Trả không lấy, không không đòi
Đem thu văn tự giữa giời đốt đi
Bằng không công nợ kể chi
Đã lòng cho trước há gì mong sau.
Khi bố thí hết thóc, mất mùa vẫn liên tiếp sảy ra cộng với dịch bệnh nhiều, tổ bà đã qua đời trong hoàn cảnh vô cùng bi thương:
Trăm năm đến lúc tuổi già
Lệ làng chẳng có tiệc nhà cũng không
Đương đêm rước cụ ra đồng
Ào ào mưa đổ, ầm ầm sấm vang.
Thế rồi tấm lòng nhân đức cao cả ấy của tổ bà đã thấu đến trời đất nên trời đất đã phù hộ bằng mộ thiên táng; dân trong vùng nhớ ơn sâu nghĩa nặng của tổ bà nên đã gọi bằng cái tên dân dã thân thương “Bà Thí thóc” và truyền tụng mãi trong dân gian câu chuyện cảm động ấy; vua sau này cũng biết đến chuyện ấy bèn phong cho “Thiên táng mộ liệt nữ phu nhân” và tặng bốn chữ vàng “Phụ tiết tinh môn”. Cũng từ đó họ Ngô còn có tên gọi là họ Ngô Thí thóc.
Sau khi tổ bà mất, Ngô Ngọc mồ côi cha mẹ, nhưng nhờ trí thông minh và chuyên cần miệt mài đèn sách, lại có sự giúp đỡ của bên ngoại, nên đã thi đỗ Hoàng giáp năm 33 tuổi, khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18, đời vua Lê Thánh Tông, làm quan tới chức Lễ khoa đô cấp sự trung- chức quan đứng đầu khoa Lễ chuyên giám sát thanh tra bộ Lễ. Ông là người am tường lễ nghi, phẩm hạnh cao quý lại có nhiều cống hiến nên cuối đời được triều đình phong Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu. Đúng là:
Đất thiêng phát phúc chẳng lâu
Tiềm Xuyên là cụ con đầu nhất trai
Khoa danh cao chiếm bảng trời
Đinh Mùi tiến sĩ khoa thời Lễ khoa.
Hoàng giáp Ngô Ngọc là người khai khoa chẳng những cho dòng họ mà còn cho cả làng xã. Năm 1987 gia tộc đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm khai khoa của Người. Dịp đó, một hậu duệ đời 16 khi đến thăm bia tiến sĩ khoa Đinh Mùi 1487 đã vô cùng phấn khởi như muốn reo lên:
Đinh Mùi bảng yết đây rồi
Khoa danh Ngô Ngọc sáng ngời trên bia
An Phong huyện vẫn còn kia
Bâng khuâng nhớ cụ sớm khuya sách đèn
Vần thơ còn đợi trăng lên
Khoa thi vẫn đợi trò hiền họ Ngô.
Cùng với Hoàng giáp Ngô Ngọc, tiếp theo kế thế đăng khoa là ngũ đại Tiến sĩ liên trúng trong khoảng 150 năm dưới triều Lê từ năm 1487 đến năm 1640. Đó là các Hoàng giáp và Tiến sĩ:
– Đời thứ ba, Hoàng giáp Ngô Nhân Hải- Con Hoàng giáp Ngô Ngọc, khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4, năm 1508, đời vua Lê Uy Mục, làm quan tới chức Giám sát ngự sử, Thừa chánh xứ.
– Đời thứ năm, Hội nguyên Hoàng giáp Ngô Nhân Trừng, chắt nội Hoàng giáp Ngô Ngọc, khoa Canh Thìn, niên hiệu Diên Thành thứ 3, năm 1580, dưới triều Mạc Mậu Hợp. Ông được triều đình nhà Mạc giao nhiều trọng trách lớn, “nhiệm lịch đề hình, tham chính thịnh uy”, có quyền tham luận trong triều đình, làm quan tới chức Đốc đồng nam bắc thập tam đạo, Đề lĩnh tứ thành, Thái úy Sùng quốc công, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu.
– Đời thứ sáu, Hội nguyên Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt- con trưởng Hoàng giáp Ngô Nhân Trừng, khoa Đinh Mùi, niên hiệu Hoằng Định thứ 8, năm 1607, đời vua Lê Kính Tông, làm quan các chức Phó sứ sang nhà Minh năm 1620, Thái thường tự khanh, phong Thái bảo, tước Lễ phái bá, Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu. Quan đại thần cùng thời, Thái bảo, Thường quận công Tiến sĩ Nguyễn Danh Thế đã hết lời ca ngợi ông: “Khi dẹp giặc thì mưu lược chỉ huy, tận lực điều quân, dẹp mối lo giặc giã, khi ngài theo hầu phủ chúa thì xã tắc ngày một yên ổn, ngài tham mưu bàn luận trong phủ chúa, chỉnh đốn kỷ cương triều chính, một tay sang sửa, xứng bậc đại thần. Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt còn để lại di văn khắc trên bia ở một số chùa như bài “Trùng tu đại bi tự” và bài “ Công đức bi ký” ở chùa Kim Liên, Nghi Tàm Hà Nội; bài “Cổ tích thần bi” ở đền thờ Nguyệt Sinh công chúa tại làng Vọng Nguyệt Bắc Ninh.
– Đời thứ bảy, Tiến sĩ Ngô Nhân Tuấn con Tiến sĩ Ngô Nhân Triệt, khoa Canh Thìn, niên hiệu Dương Hòa thứ 6, năm 1640, đời vua Lê Thần Tông, làm quan các chức Lễ bộ tả thị lang, Công bộ thượng thư, Phong lộc tử, gia thăng Hộ bộ thượng thư, tước Phong lộc bá. Quan Lễ bộ tả thị lang Ngô Nhân Tuấn được vua Lê chúa Trịnh giao nhiều trọng trách lớn, trong đó có việc tổ chức thi phúc khảo các sinh đồ đã đỗ trong ba kỳ thi hương năm 1657, 1660, 1663. Bấy giờ người thi hỏng đến quá nửa vì trước đây phép thi lỏng lẻo. Bằng việc ấy, Tiến sĩ Ngô Nhân Tuấn đã góp phần quan trọng vào việc chấn chỉnh học hành thi cử trong cả nước thời đó.
Năm vị tiến sĩ họ Ngô Vọng Nguyệt đã góp phần tăng cường cho nguyên khí quốc gia và đã đem tài đức của mình ra phò vua giúp nước, góp phần tích cực vào việc giữ yên xã tắc và phát triển đất nước trong thời kỳ lịch sử đó. Cũng vì thế mà triều đình đã ban tặng danh hiệu Lệnh tộc cho họ Ngô Vọng Nguyệt để thưởng cho truyền thống hiếu học và khoa bảng. Họ Ngô Vọng Nguyệt là dòng họ ngũ đại khoa danh duy nhất ở huyện Yên Phong và là một trong tứ lệnh tộc của xứ Kinh Bắc xưa.
Câu chuyện về tổ bà Thí thóc và sự kiện ngũ đại khoa danh nêu trên nói lên tấm lòng nhân đức cao cả của tổ bà và truyền thống khoa bảng vẻ vang của dòng họ- hai giá trị lịch sử- văn hóa tiêu biểu của di tích nhà thờ. Hai giá trị ấy được thờ đăng đối ở hai gian: gian tả thờ tổ bà với bức đại tự “Phụ tiết tinh môn” vua ban tặng, gian hữu thờ các vị khoa bảng với bức đại tự “Thế xuất nho khoa”. Tương ứng với hai gian thờ này còn có đôi câu đối trung tâm thể hiện hai giá trị nêu trên:
Túc chẩn bần nhân đức thụ âm bồi lai giã viễn
Thiên lưu phúc địa bảng hoa kế phát cửu di phương
Dịch nghĩa là:
Phát chẩn thóc cho người nghèo vun đắp cây đức để lại mãi cho đời sau
Trời cho đất phúc khoa bảng kế phát liên tiếp để lại tiếng thơm lâu dài
Việc bài trí ban thờ như trên còn biểu thị mối quan hệ nhân quả giữa nhân đức và khoa bảng, nhờ phúc đức tại mẫu và nhờ phúc ấm tổ tiên mà dòng họ được kế phát về khoa bảng. Nhờ tổ bà vun trồng cây đức:
Mất mùa thương kẻ không rau cháo
Làm phúc từng khi dốc bịch bồ
nên dòng họ được hưởng phúc:
Hai chữ vinh phong bia biển dệt
Năm đời liên trúng phấn son tô.
Quan hệ nhân quả nêu trên là một quan niệm thấm đậm tính nhân văn. Bên cạnh ngũ đại khoa danh đã nêu, dòng họ Ngô còn có rất nhiều ông đồ, ông cống, tú tài, cử nhân cũng như các quan chức địa phương như tri phủ ,tri huyện…Theo thống kê của dòng họ con số này là 59 người. Trong đó gia đình tiến sĩ Ngô Nhân Triệt chẵng những là tam đại liên trúng tiến sĩ mà còn có tới 5 con đỗ cử nhân, tú tài. Đúng là một nhà con nối cha, cháu nối ông sổ vàng rạng rỡ tiếng tăm. Lại có gia đình ba anh em ruột cùng đỗ cử nhân, tú tài trong một khoa thi hương, hiện vẫn còn đôi câu đối ghi lại sự kiện này:
Tam khoa thu bảng thừa tiên triết
Mãn tọa xuân phong phiến hậu nhân.
Thật đúng là dòng họ “Thế xuất nho khoa “ như bức đại tự đã nêu.
Trên đây mới chỉ nói đến dòng Ngô Lệnh tộc Vọng Nguyệt, mà họ Ngô với tổ bà Thí thóc còn có dòng thứ ở Lý Trai Nghệ An. Dòng họ Ngô Công thần này cũng có năm đời tiến sĩ. Đặc biệt có trường hợp phụ tử đồng khoa duy nhất trong cả nước. Đó là hai cha con Tiến sĩ Ngô Trí Tri và Tiến sĩ Ngô Trí Hòa cùng đỗ tiến sĩ khoa thi Nhâm Thìn, niên hiệu Quang Hưng thứ 15, năm 1592, đời vua Lê Thế Tông. Bởi thế nhà vua đã tặng mười chữ vàng:
Khoa danh thiên hạ hữu
Phụ tử thế gian vô
Nghĩa là việc đỗ đat khoa danh đã có trong thiên hạ, nhưng cha con cùng đỗ một khoa thì chưa từng có trong thế gian.
Nhà thờ họ Ngô Lý Trai cũng đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và dòng họ đã đón bằng công nhận kỷ lục ghi-nét về sự kiện vừa nêu. Như vậy với tổ bà Thí thóc họ Ngô đã có tới 10 đời tiến sĩ, sự kiện càng hiếm có xưa nay.
Sau khi chế độ khoa cử thời phong kiến chấm dứt, việc học từ đó không phải chỉ để ra làm quan. Do nhận thức được nguyên lý “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” nên họ Ngô Lệnh tộc Vọng Nguyệt vẫn tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học và khoa bảng. Nhiều gia đình rất quan tâm, tạo mọi điều kiện cho con em được học hành. Tiêu biểu như gia đình cụ Ngô Như Cơ hậu duệ đời 15 đã bán ruộng vườn nuôi con ăn học. Chính họ Ngô đã rỡ cổng nhà thờ lấy gạch hiến cho xã xây trường học và cho làng mượn nhà tiền tế làm lớp học trong những ngày chiến tranh khó khăn. Đó là việc làm khuyến học rất thiết thực và quý giá. Đặc biệt là hoạt động khuyến học của dòng họ ra đời rất sớm, từ năm 1995 đã có Ban khuyến học, quỹ khuyến học và quy ước khuyến học. Suốt hơn 20 năm qua hoạt động khuyến học ấy vẫn được duy trì thường xuyên liên tục. Đã quyên góp hàng trăm triệu cho khuyến học, đã có hàng mấy trăm lượt học sinh giỏi được nhận phần thưởng khuyến học của dòng họ. Điều đó đã góp phần quan trọng vào việc khuyến khích động viên các thế hệ học sinh trong dòng họ học giỏi và phấn đấu thi đỗ đại học, nên số học sinh này hàng năm ngày một tăng. Có năm hơn 20 học sinh của dòng họ đỗ đại học. Số này thường chiếm non nửa số học sinh trong làng. Tiêu biểu cho thành tích học tập ấy có một số học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, đặc biệt có học sinh Ngô Anh Đức hậu duệ đời 17 đã đạt gải nhì- huy chương bạc kỳ thi Olympic vật lý quốc tế năm 1995 tổ chức tại thủ đô Canbera, nước Úc. Hiện nay dòng họ Ngô Lệnh tộc có hơn 300 cử nhân, hơn 20 thạc sĩ và 4 tiến sĩ, nhiều gia đình có 100% con cái có trình độ đại học. Có lẽ cũng không ngoa khi có bài báo ví họ Ngô Lệnh tộc Vọng Nguyệt là dòng họ đại học ven sông Cầu.
Song song với việc tiếp tục duy trì và phát huy truyền thông hiếu học và khoa bảng, dòng họ Ngô Lệnh tộc Vọng Nguyệt cùng với cộng đồng làng xã tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước, quê hương; xây dưng làng văn hóa và xây dựng nông thôn mới.
Cùng với các hoạt động nêu trên, mấy thập kỷ gần đây, nhất là từ khi đất nước bước và thời kỳ đổi mới, thuần phong mỹ tục được phục hồi, việc họ được quan tâm hơn. Nhờ sự đoàn kết, tập hợp được các gia đình, các thế hệ dòng họ cùng hướng về cội nguồn, gần ba thập kỷ qua nhiều công trình cho việc họ đã được khởi xướng và thực hiện thành công tốt đẹp. Đó là những công trình: tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm đăng khoa tiến sĩ của Hoàng giáp Ngô Ngọc năm 1987; dịch, biên soạn bổ sung, in ấn tộc phả năm 1990; trùng tu tôn tạo đại tôn từ đường năm 1999; xây lăng mộ tổ theo lối ngôi mộ cổ với tám hướng mười phương năm 2004; xây nhà bia tiến sĩ và mua thêm đất mở rộng khuôn viên nhà thờ năm 2012…Những việc làm đó vừa là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn và tri ân tổ tiên, vừa để duy trì và phát huy các giá trị lịch sử – văn hóa vật thể và phi vật thể cho các thế hệ kế tiếp.
Nhân dịp đón bằng xếp hạng di tích quốc gia nhà thờ 05 tiến sĩ họ Ngô Vọng Nguyệt, được ôn lại những truyền thống vẻ vang của dòng họ, các thế hệ con cháu trong gia tộc vô cùng phấn khởi tự hào về những gì tổ tiên và tiền nhân đã dày công vun đắp, đồng thời mỗi gia đình, mỗi con cháu cũng thấy được trách nhiệm của mình phải làm gì để góp phần vào việc duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử- văn hóa ấy cho ngày nay và cho muôn đời sau như phần cuối của hai vế câu đối trung tâm trong nhà thờ đã nêu là “lai giã viễn” và “cửu di phương”.
Melbourne, ngày 5 tháng 1 năm 2016
PGS.TS Ngô Quý Ty