Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn miếu – Quốc tử giám (Hà Nội) phối hợp với dòng họ Ngô Lệnh tộc làng Vọng Nguyệt, (nay thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) tổ chức cuộc hội thảo khoa học “Truyền thống văn hóa, khoa bảng dòng họ Ngô, Vọng Nguyệt, Tam Giang, Yên Phong, Bắc Ninh”.
Hội thảo khoa học nhận được 22 bài tham luận chất lượng được biên soạn công phu của các nhà nghiên cứu khoa học và đại diện dòng họ. Các tham luận tập trung vào những vấn đề chính sau: Quê hương và dòng họ Ngô ở làng Vọng Nguyệt. Thân thế sự nghiệp, trước tác của các vị đại khoa dòng họ Ngô Lệnh tộc. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dòng họ Ngô trong giai đoạn hiện nay.
Tuy còn một vài điểm chưa thống nhất còn tồn nghi trong các báo cáo như về năm sinh, năm mất của các vị đại khoa dòng họ Ngô… nhưng các bản tham luận đều khẳng định rằng Vọng Nguyệt là mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi sản sinh ra nhiều nhà khoa bảng trong đó có dòng họ Ngô với “Ngũ đại liên đăng trúng tiến sĩ”, là dòng họ có truyền thống văn hóa, khoa bảng vẻ vang tiêu biểu của vùng đất Yên Phong nói riêng và xứ Kinh Bắc văn hiến nói chung. Các vị đại khoa của dòng họ Ngô lệnh tộc đều là những người tài đức, có nhiều công sức đóng góp cho quê hương đất nước trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giáo dục, văn hóa… Hậu duệ dòng họ Ngô Lệnh tộc đã và đang làm tốt công tác bảo tồn và phát huy truyền thống văn hiến, của gia tộc và quê hương.
Trong lịch sử giáo dục khoa cử Nho học, dòng họ Ngô Lệnh tộc làng Vọng Nguyệt đã được tôn vinh là một trong “Tứ lệnh tộc” và được ghi nhận “Ngũ đại liên trúng” (tức năm đời liền liên tục đỗ đại khoa). Nhà sử học Phan Huy Chú từng nhận xét “…làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô, từ Ngô Ngọc đỗ chính bảng thời Hồng Đức rồi năm đời đỗ liên tiếp, thực là xưa nay ít có…”
Người khai khoa của dòng họ Ngô Lệnh tộc chính là Ngô Ngọc, ông đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Đinh Mùi (1487) đời vua Lê Thánh Tông và làm quan đến chức Lễ khoa đô cấp sự trung. Tiếp sau là Ngô Hải đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn (1508) đời vua Lê Uy Mục từng giữ chức Thừa chính sứ. Ngô Trừng đỗ Hoàng giáp khoa thi Canh Thìn (1580) đời vua Mạc Mậu Hợp, ông làm quan tới chức Tự khanh. Ngô Nhân Triệt đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Đinh Mùi (1607) đời vua Lê Kính Tông ông được cử làm Phó sứ sang nhà Minh, làm quan đến chức Tự khanh, phong Thái bảo, Lễ phái Bá, sau bị truất xuống làm Hiến sát sứ. Cuối cùng là Ngô Nhân Tuấn đỗ đồng tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640) đời vua Lê Thần Tông, ông làm quan tới chức Công bộ Thượng thư, về trí sĩ được tăng chức Hộ bộ Thượng thư, tước Hầu.
Một hình ảnh buổi hội thảo khoa học tại Văn Miếu Quốc Tử Giám